ad

Hỏi đáp

Có thể thực hiện truyền thông môi trường qua các hình thức nào?

Truyền thông môi trường được thực hiện chủ yếu qua các phương thức sau:

Chuyển thông tin tới từng cá nhân qua việc tiếp xúc tại nhà, tại cơ quan, gọi điện thoại, gửi thư. 

Chuyển thông tin tới từng nhóm qua hội thảo, tập huấn, huấn luyện, họp nhóm, tham quan, khảo sát... 

Chuyển thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, tivi, radio, pano, áp phích, tờ rơi, phim ảnh,.... 

Tiếp cận truyền thông qua những buổi biểu diễn lưu động, tham gia hội diễn, các chiến dịch, tham gia các lễ hội, các ngày kỷ niệm... 

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường theo những con đường nào?

Các chất thải độc hại có thể gây ô nhiễm môi trường trực tiếp như bay hơi hoá chất trong khí quyển hoặc có thể gây ô nhiễm gián tiếp qua vận chuyển của gió hoặc bề mặt nước. Vấn đề quan trọng không phải chỉ phụ thuộc vào nơi đổ thải và tình trạng đất ở bên dưới.

Đất và nước bị ô nhiễm:

Sự có mặt của vùng chưa bão hoà ở bên dưới mặt đất của nơi đổ thải rất quan trọng. Đó là vùng cao hơn mặt nước, ở nơi này nước thấm xuống dưới đến khi gặp mặt nước chảy ngang. Nếu bên dưới chỗ rác thải là vùng chưa bão hoà thì hoạt động đất nước như trên sẽ là một quá trình lọc bởi các hoạt động hoá và hoá sinh.

Ô nhiễm nước bề mặt:

Bề mặt ngoài của nước ở gần chỗ chất thải có thể nhận những chất thải độc hại từ bề mặt chảy. Hơn nữa, dòng chảy đất - nước của các hoá chất cũng đưa ô nhiễm vào mặt nước. Trong điều kiện tiếp xúc không khí sẽ thúc đẩy quá trình phân huỷ hoá, hoá sinh các hợp chất hữu cơ. Quá trình bay hơi ở mặt nước cũng dễ hơn ở đất.

Các đường ô nhiễm khác:

Các hợp chất hữu cơ có thể bay hơi trong không khí, gió có thể đưa chất thải độc hại vào môi trường, rau quả trồng gần nơi chất thải có thể hấp thụ những độc tố của chất thải.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Ngửi mùi thơm của các sản phẩm hoá chất có hại cho sức khoẻ không?

Bàn ghế, giường tủ bày trong căn phòng, các đồ dùng mới cũng toả ra mùi thơm nhẹ rất dễ chịu, nhưng vì sao không nên ngửi mùi thơm của các đồ dùng đó?

Trong các hoá chất có một loại chất hữu cơ gọi là chất thơm. Chất thơm này có mùi thơm nhẹ, dễ chịu và tồn tại trong rất nhiều loại vật chất. Thành phần chủ yếu của chất thơm này là benzen (C6H6). Khi có một phần vạn chất thơm benzen trong không khí và con người hít thở không khí này liên tục trong vài giờ sẽ bị nhức đầu, mệt mỏi. Nếu con người sống và làm việc lâu dài trong môi trường không khí đó thì khả năng tạo ra huyết cầu của tuỷ xương sẽ bị tổn hại, dẫn đến bệnh thiếu máu, thậm chí dẫn đến bệnh máu trắng.

Tài liệu điều tra của Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỉ lệ tử vong vì bệnh máu trắng của những người tiếp xúc với benzen cao gấp 5 lần người bình thường. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp chất benzen vào danh sách những hoá chất gây bệnh ung thư. Một số nước trên thế giới quy định phụ nữ không được làm công việc tiếp xúc với benzen, các công nhân tiếp xúc với benzen phải thường xuyên thay đổi công việc, hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với benzen.

Benzen và các hợp chất của benzen đều có đặc tính dễ hoà tan nên được ứng dụng rất rộng rãi. Trong thời đại sản phẩm hoá học, benzen và các hợp chất của benzen ngày càng được tận dụng triệt để. Vecni, sơn, keo dán, chất tạo bọt,v.v...đều cần dùng tới benzen. Bởi vậy các đồ dùng gia đình, giấy dán tường đều toả mùi benzen thơm nhẹ. Gặp phải trường hợp đó, chúng ta cần tìm cách thông gió trong phòng để giảm tối thiểu hàm lượng benzen trong không khí. Sau một thời gian benzen bay hơi hết, sức khỏe của chúng ta sẽ không bị đe dọa nữa.

 Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Tị nạn môi trường là gì?

"Tị nạn môi trường là việc con người buộc phải rời khỏi nơi cư trú truyền thống của mình tạm thời hay vĩnh viễn do những nguyên nhân môi trường gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ". 

Hiện nay, trên thế giới cứ 225 người thì có một người phải tị nạn môi trường. Nguyên nhân của tị nạn môi trường là sự tổ hợp của một số yếu tố sau:

Không có đất canh tác, mất đất cư trú. 
Mất rừng, hoang mạc hoá. 
Xói mòn đất. 
Mặn hoá hoặc úng ngập. 
Hạn hán, thiếu nước. 
Đói nghèo. 
Suy giảm đa dạng sinh học. 
Biến động khí hậu và thời tiết xấu. 
Suy dinh dưỡng và dịch bệnh. 
Quản lý nhà nước kém hiệu quả. 

Tị nạn môi trường chính là chỉ thị của sự mất ổn định và là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Quản lý môi trường là gì?

"Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia".

Các mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý nhà nước về môi trường bao gồm: 

Khắc phục và phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường phát sinh trong hoạt động sống của con người. 

Phát triển bền vững kinh tế và xã hội quốc gia theo 9 nguyên tắc của một xã hội bền vững do hội nghị Rio-92 đề xuất. Các khía cạnh của phát triển bền vững bao gồm: Phát triển bền vững kinh tế, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không tạo ra ô nhiễm và suy thoái chất luợng môi trường sống, nâng cao sự văn minh và công bằng xã hội. 

Xây dựng các công cụ có hiệu lực quản lý môi trường quốc gia và các vùng lãnh thổ. Các công cụ trên phải thích hợp cho từng ngành, từng địa phương và cộng đồng dân cư. 

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Tài nguyên khí hậu, cảnh quan là gì?

"Tài nguyên khí hậu và cảnh quan bao gồm các yếu tố về thời tiết khí hậu (khí áp, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời, lượng mưa...) địa hình, không gian trống..."

Các yếu tố khí hậu có vai trò to lớn trong đời sống và sự phát triển của sinh vật và con người. Tác động của khí hậu đến con người trước hết thông qua nhịp điệu của chu trình sống: nhịp điệu ngày đêm, nhịp điệu mùa trong năm, nhịp điệu tháng và tuần trăng. Các nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy tình trạng sức khoẻ, tốc độ phát triển của sinh vật phụ thuộc vào thời điểm của các chu trình sống trên. Cường độ và đặc điểm của bức xạ mặt trời có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của sinh vật và tăng trưởng sinh khối.

Khí hậu thời tiết có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình trạng sức khoẻ con người, tạo ra sự tăng độ tử vong ở một số bệnh tim mạch, các loại bệnh tật theo mùa v.v... Trong giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế và giao lưu xã hội, khí hậu, thời tiết đang trở thành một dạng tài nguyên vật chất quan trọng của con người. Khí hậu thời tiết thích hợp tạo ra các khu vực du lịch, nuôi trồng một số sản phẩm động thực vật có giá trị kinh tế cao (hoa, cây thuốc, các nguồn gen quý hiếm khác.)

Địa hình cảnh quan là một dạng tài nguyên mới; nó tạo ra không gian của môi trường bảo vệ, môi trường nghỉ ngơi. Địa hình hiện tại của bề mặt trái đất là sản phẩm của các quá trình địa chất lâu dài (nội sinh, ngoại sinh). Các loại hình thái chính của địa hình là đồi núi, đồng bằng, địa hình Karst, địa hình ven bờ, các kho nước lớn (biển, sông, hồ). Mỗi loại hình thái địa hình chứa đựng những tiềm năng phát triển kinh tế đặc thù. Thí dụ phát triển du lịch, phát triển nông, lâm, công nghiệp v.v...

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Một số vấn đề môi trường liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng?

Than đá là nguồn năng lượng chủ yếu của loài người với tổng trữ lượng trên 700 tỷ tấn, có khả năng đáp ứng nhu cầu con người khoảng 180 năm. Tuy nhiên, các vấn đề môi trường hiện nay đang tồn tại:

Khai thác than đá bằng phương pháp lộ thiên tạo nên lượng đất đá thải lớn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước, mất rừng. Khai thác than bằng phương pháp hầm lò hiện nay làm mất 50% trữ lượng, gây lún đất, ô nhiễm nước, tiêu hao gỗ chống lò và gây các tai nạn hầm lò. 

Chế biến và sàng tuyển than tạo ra bụi và nước thải chứa than, kim loại nặng. 

Đốt than tạo ra khí SO2, CO2. Theo tính toán một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW hàng năm thải ra môi trường 5 triệu tấn CO2, 18.000 tấn N0X, 11.000 - 680.000 tấn phế thải rắn. Trong thành phần chất thải rắn, bụi, nước thải thường chứa kim loại nặng và chất phóng xạ độc hại. 

Dầu và khí đốt trong tình trạng hiện nay đang tạo ra các vấn đề môi trường:

Khai thác trên thềm lục địa gây lún đất, ô nhiễm dầu đối với đất, không khí, nước. Khai thác trên biển gây ô nhiễm biển (50% lượng dầu ô nhiễm trên biển gây ra là do khai thác trên biển). 

Chế biến dầu gây ô nhiễm dầu và kim loại nặng kể cả kim loại phóng xạ. 

Đốt dầu khí tạo ra các chất thải khí tương tự như đốt than. 

Thuỷ năng được gọi là năng lượng sạch. Tổng trữ lượng thế giới 2.214.000 MW, riêng Việt Nam 30.970 MW chiếm 1,4% tổng trữ lượng thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa nước lớn tạo ra các tác động môi trường như động đất kích thích, thay đổi khí hậu thời tiết khu vực, mất đất canh tác, tạo ra lượng CH4 do phân huỷ chất hữu cơ lòng hồ, tạo ra các biến đổi thuỷ văn hạ lưu, tăng độ mặn nước sông, ảnh hưởng đến sự phát triển của các quần thể cá trên sông, tiềm ẩn tai biến môi trường.

Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng giải phóng trong quá trình phân huỷ hạt nhân các nguyên tố U, Th hoặc tổng hợp nhiệt hạch. Theo tính toán năng lượng giải phóng ra từ 1g U235 tương đương với năng lượng do đốt 1 tấn than đá. Nguồn năng lượng hạt nhân có ưu điểm không tạo nên các loại khí nhà kính như CO2, bụi. Tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân hiện nay là nguồn gây nguy hiểm lớn về môi trường do chất thải phóng xạ, khí, rắn, lỏng và các sự cố nhà máy. Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Checnobưn Liên Xô là một ví dụ điển hình.

Các nguồn năng lượng khác bao gồm các loại:

Gió, bức xạ mặt trời, thuỷ năng được xếp vào loại năng lượng sạch có công suất bé và thích hợp cho một số khu vực có trữ lượng phong phú và xa các nguồn năng lượng truyền thống khác như các hải đảo. 

Gỗ, củi thích hợp cho sử dụng quy mô nhỏ, và nền kinh tế công nghiệp kém phát triển. 

Địa nhiệt thích hợp với các vùng có núi lửa và hoạt động địa chất mạnh như Italia, Ailen, Kamchatka (Nga). 

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Tài nguyên năng lượng là gì?

"Năng lượng là một dạng tài nguyên vật chất xuất phát từ hai nguồn chủ yếu: Năng lượng mặt trời và năng lượng lòng đất".

Năng lượng mặt trời tạo tồn tại ở các dạng chính: bức xạ mặt trời, năng lượng sinh học (sinh khối động thực vật), năng lượng chuyển động của khí quyển và thuỷ quyển (gió, sóng, các dòng hải lưu, thuỷ triều, dòng chảy sông...), năng lượng hoá thạch (than, dầu, khí đốt, đá dầu). 

Năng lượng lòng đất gồm nhiệt lòng đất biểu hiện ở các các nguồn địa nhiệt, núi lửa và năng lượng phóng xạ tập trung ở các nguyên tố như U, Th, Po,... 

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Nước trên trái đất có hình thái như thế nào?

Thuỷ quyển là lớp vỏ lỏng không liên tục bao quanh trái đất gồm nước ngọt, nước mặn ở cả ba trạng thái cứng, lỏng và hơi. Thuỷ quyển bao gồm đại dương, biển, ao hồ, sông ngòi, nước ngầm và băng tuyết. 

Khối lượng của thuỷ quyển khoảng 1,4.1018 tấn. Trong đó đại dương có khối lượng chiếm 97,4% toàn bộ thuỷ quyển. Phần còn lại là băng trên núi cao và hai cực trái đất chiếm 1,98%, nước ngầm chiếm 0,6%; ao, hồ, sông, suối, hơi nước chỉ chiếm 0,02%. Ranh giới trên của thuỷ quyển là mặt nước của các đại dương, ao, hồ. Ranh giới dưới của thuỷ quyển khá phức tạp, từ các đáy đại dương có độ sâu hàng chục km, vài chục mét ở các thấu kính nước ngầm cho đến vài chục cm ở các vùng đất ngập nước. Theo diện tích che phủ, thuỷ quyển chiếm 70,8% hay 361 triệu km2 bề mặt trái đất với độ sâu trung bình 3.800m. Thuỷ quyển phân bố không đều trên bề mặt trái đất, ở nam bán cầu là 80,9%, ở bắc bán cầu là 60,7%.

Đại dương chiếm phần quan trọng của trái đất, gồm có Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương. Trong các đại dương, người ta lại chia ra các vùng biển có diện tích nhỏ hơn như biển Ban Tích, biển Bắc, biển Đông, biển Nam Trung Hoa v.v... Tuy nhiên, có một số biển không có liên hệ với đại dương như biển Caxpi, biển Aran được gọi là biển hồ. Một số phần đại dương hoặc biển ăn sâu vào đất liền được gọi là vịnh như vịnh Thái Lan hoặc vịnh Bắc Bộ.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Các vùng đất ngập nước ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng như thế nào?

Vùng đất ngập nước lớn nhất của Việt Nam là châu thổ sông Cửu Long bao gồm hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, những cánh đồng lúa bát ngát, rừng ngập mặn, rừng tràm, các bãi triều, ao nuôi tôm, cá. Ở miền Trung, các vùng đất ngập nước là các đầm phá ven biển, các hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, đất ngập nước là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn của châu thổ. Tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam ước tính khoảng 7 triệu đến 10 triệu hécta.

Phần lớn thóc, gạo, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác đều được sản xuất từ những vùng đất ngập nước, đặc biệt và từ châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam. Ngoài vai trò sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, đất ngập nước còn đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên và môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), điều hoà khí hậu địa phương, chống xói lở bờ biển, ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm, là nơi trú chân của nhiều loài chim di cư quý hiếm, là nơi giải trí, du lịch rất giá trị cho người dân Việt Nam cũng như khách nước ngoài. Về lâu dài, các vùng đất ngập nước của Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Câu hỏi

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG THÔNG ĐIỆP XANH

Địa chỉ: 20G Phan Văn Sửu, Phường 13, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: (84.028) 3814 3583

Fax: (84.028) 3814 3591

Email: thongdiepxanh@gmail.com

Hotline: 0903. 926. 077

đăng ký nhận bản tin

Đăng ký ngay để nhận thông tin mới nhất từ Thông Điệp Xanh

Brochure Thông điệp xanh
Download