ad

Hỏi đáp

Du lịch tác động tiêu cực đến môi trường như thế nào?

Ảnh hưởng tới nhu cầu và chất lượng nước: Du lịch là ngành công nghiệp tiêu thụ nước nhiều, thậm chí tiêu hao nguồn nước sinh hoạt hơn cả nhu cầu nước sinh hoạt của địa phương. 
Nước thải: Nếu như không có hệ thống thu gom nước thải cho khách sạn, nhà hàng thì nước thải sẽ ngấm xuống bồn nước ngầm hoặc các thuỷ vực lân cận (sông, hồ, biển), làm lan truyền nhiều loại dịch bệnh như giun sán, đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh mắt hoặc làm ô nhiễm các thuỷ vực gây hại cho cảnh quan và nuôi trồng thủy sản. 
Rác thải: Vứt rác thải bừa bãi là vấn đề chung của mọi khu du lịch. Đây là nguyên nhân gây mất cảnh quan, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và nảy sinh xung đột xã hội. 
Ô nhiễm không khí: Tuy được coi là ngành "công nghiệp không khói", nhưng du lịch có thể gây ô nhiễm khí thông qua phát xả khí thải động cơ xe máy và tàu thuyền, đặc biệt là ở các trọng điểm và trục giao thông chính, gây hại cho cây cối, động vật hoang dại và các công trình xây dựng bằng đá vôi và bê tông. 
Năng lượng: Tiêu thụ năng lượng trong khu du lịch thường không hiệu quả và lãng phí. 
Ô nhiễm tiếng ồn: Tiếng ồn từ các phương tiện giao thông và du khách có thể gây phiền hà cho cư dân địa phương và các du khách khác kể cả động vật hoang dại. 
Ô nhiễm phong cảnh: Ô nhiễm phong cảnh có thể được gây ra do khách sạn nhà hàng có kiến trúc xấu xí thô kệch, vật liệu ốp lát không phù hợp, bố trí các dịch vụ thiếu khoa học, sử dụng quá nhiều phương tiện quảng cáo nhất là các phương tiện xấu xí, dây điện, cột điện tràn lan, bảo dưỡng kém đối với các công trình xây dựng và cảnh quan. Phát triển du lịch hỗn độn, pha tạp, lộn xộn là một trong những hoạt động gây suy thoái môi trường tệ hại nhất. 
Làm nhiễu loạn sinh thái: Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động lên đất (xói mòn, trượt lở), làm biến động các nơi cư trú, đe doạ các loài động thực vật hoang dại (tiếng ồn, săn bắt, cung ứng thịt thú rừng, thú nhồi bông, côn trùng...). Xây dựng đường giao thông và khu cắm trại gây cản trở động vật hoang dại di chuyển tìm mồi, kết đôi hoặc sinh sản, phá hoại rạn san hô do khai thác mẫu vật, cá cảnh hoặc neo đậu tàu thuyền... 

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Du lịch tác động tích cực đến môi trường như thế nào?

Tác động môi trường là những ảnh hưởng (xấu hay tốt) do hoạt động phát triển du lịch gây ra cho môi trường, bao gồm các yếu tố môi trường tự nhiên cũng như các yếu tố môi trường xã hội - nhân văn. Tác động của du lịch lên các yếu tố sinh thái tự nhiên có thể là tác động tích cực hoặc tiêu cực. Các tác động tích cực có thể gồm:
Bảo tồn thiên nhiên: Du lịch góp phần khẳng định giá trị và góp phần vào việc bảo tồn các diện tích tự nhiên quan trọng, phát triển các Khu Bảo tồn và Vườn Quốc gia. 
Tăng cường chất lượng môi trường: Du lịch có thể cung cấp những sáng kiến cho việc làm sạch môi trường thông qua kiểm soát chất lượng không khí, nước, đất, ô nhiễm tiếng ồn, thải rác và các vấn đề môi trường khác thông qua các chương trình quy hoạch cảnh quan, thiết kế xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc. 
Đề cao môi trường: Việc phát triển các cơ sở du lịch được thiết kế tốt có thể đề cao giá trị các cảnh quan. 
Cải thiện hạ tầng cơ sở: Các cơ sở hạ tầng của địa phương như sân bay, đường sá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc có thể được cải thiện thông qua hoạt động du lịch. 
Tăng cường hiểu biết về môi trường của cộng đồng địa phương thông qua việc trao đổi và học tập với du khách.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Thế nào là sự phát triển bền vững?

Có thể nói rằng mọi vấn đề về môi trường đều bắt nguồn từ phát triển. Nhưng con người cũng như tất cả mọi sinh vật khác không thể đình chỉ tiến hoá và ngừng sự phát triển của mình. Con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển là phải chấp nhận phát triển, nhưng giữ sao cho phát triển không tác động một cách tiêu cực tới môi trường. Do đó, năm 1987 Uỷ ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc đã đưa ra khái niệm Phát triển bền vững:

"Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai".

Để xây dựng một xã hội phát triển bền vững, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã đề ra 9 nguyên tắc:
1. Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng. 
2. Cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. 
3. Bảo vệ sức sống và tính đa dạng của Trái đất. 
4. Quản lý những nguồn tài nguyên không tái tạo được. 
5. Tôn trọng khả năng chịu đựng được của Trái đất. 
6. Thay đổi tập tục và thói quen cá nhân. 
7. Để cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của mình. 
8. Tạo ra một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ. 
9. Xây dựng một khối liên minh toàn cầu. 

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Vì sao nói con người cũng là một nguồn ô nhiễm?

Con người sống trên Trái đất chủ yếu sử dụng không khí, nước và thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể. Mỗi người lớn một ngày hít vào 100 lít không khí và thở ra lượng khí cacbonic cũng nhiều như vậy. Khí cacbonic là khí thải, tụ lại nhiều một chỗ sẽ làm vẩn đục không khí trong phòng, gây khó chịu. Nếu buổi tối đi ngủ đóng kín cửa phòng, khí cacbonic sẽ vẩn đục khắp phòng. Bởi vậy buổi sáng ngủ dậy phải mở cửa để không khí lưu thông, phòng ở mới sạch.

Khi người ta ăn các thức ăc để bổ sung dinh dưỡng, sẽ thải ra cặn bã. Chất cặn bã (phân và nước tiểu) xuất hiện ở môi trường sinh hoạt nếu không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khoẻ con người (như gây bệnh giun sán).
Trong quá trình thay đổi tế bào trong cơ thể con người thường toả ra nhiệt lượng và mùi vị. Mùi vị của cơ thể mỗi người khác nhau, trong đó có một mùi rất nặng kích thích hệ thần kinh khứu giác, đó là mùi hôi nách. Đây cũng là một nguồn ô nhiễm của cơ thể con người. 

Trong sinh hoạt hàng ngày, cơ thể con người luôn luôn toả nhiệt để điều tiết cân bằng nhiệt độ cơ thể. Nhiệt lượng này toả ra môi trường xung quanh nên chúng ta không thấy ảnh hưởng xấu của hiện tượng này. Ví dụ trong một toa xe đóng kín cửa chật ních người, nhiệt độ sẽ cao dần và những người bên trong sẽ cảm thấy khó chịu, vì nhiệt lượng toả ra từ cơ thể người đã làm tăng nhiệt độ trong xe. 

Cơ thể chúng ta là một nguồn ô nhiễm. Nêu vấn đề này ra có thể có một số người chưa nhận thức được. Nhưng chúng ta sẽ phát hiện ra điều này khi tập trung một số đông người trong một môi trường nhỏ hẹp. Bởi vậy, chúng ta không những cần phòng ngừa ô nhiễm công nghiệp mà còn cần phòng ngừa cơ thể gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ chúng ta.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Tai biến môi trường là gì?

"Tai biến môi trường là quá trình gây mất ổn định trong hệ thống môi trường". 

Đó là một quá trình gây hại vận hành trong hệ thống môi trường gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn nguy cơ (hay hiểm hoạ): Các yếu tố gây hại tồn tại trong hệ thống, nhưng chưa phát triển gây mất ổn định. 

Giai đoạn phát triển: Các yếu tố tai biến tập trung lại, gia tăng, tạo trạng thái mất ổn định nhưng chưa vượt qua ngưỡng an toàn của hệ thống môi trường. 

Giai đoạn sự cố môi trường: Quá trình vượt qua ngưỡng an toàn, gây thiệt hại cho con người về sức khoẻ, tính mạng, tài sản,... Những sự cố gây thiệt hại lớn được gọi là tai hoạ, lớn hơn nữa được gọi là thảm hoạ môi trường.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Suy thoái môi trường là gì?

"Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên".

Trong đó, thành phần môi trường được hiểu là các yếu tố tạo thành môi trường: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Ô nhiễm môi trường là gì?

Theo Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam: 
"Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm Tiêu chuẩn môi trường". 

Trên thế giới, ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường. Các tác nhân ô nhiễm bao gồm các chất thải ở dạng khí (khí thải), lỏng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chứa hoá chất hoặc tác nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ. 

Tuy nhiên, môi trường chỉ được coi là bị ô nhiễm nếu trong đó hàm lượng, nồng độ hoặc cường độ các tác nhân trên đạt đến mức có khả năng tác động xấu đến con người, sinh vật và vật liệu.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Sản xuất sạch hơn là gì?

"Sản xuất sạch hơn là cải tiến liên tục quá trình sản xuất công nghiệp, sản phẩm và dịch vụ để giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, để phòng ngừa tại nguồn ô nhiễm không khí, nước và đất, và giảm phát sinh chất thải tại nguồn, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường"

Đối với quá trình sản xuất: Sản xuất sạch hơn bao gồm tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc, giảm lượng và độ độc của các dòng thải trước khi đi ra khỏi quá trình sản xuất. 
Đối với sản phẩm: Sản xuất sạch hơn làm giảm ảnh hưởng trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ khâu chế biến nguyên liệu đến khâu thải bỏ cuối cùng.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Công nghệ sạch là gì?

"Công nghệ sạch là quy trình công nghệ hoặc giải pháp kỹ thuật không gây ô nhiễm môi trường, thải hoặc phát ra ở mức thấp nhất chất gây ô nhiễm môi trường". 

Có thể áp dụng công nghệ sạch đối với các quy trình sản xuất trong bất kỳ ngành công nghiệp nào và bất kỳ sản phẩm công nghiệp nào. Đối với các quá trình sản xuất, công nghệ sạch nhằm giảm thiểu các tác động môi trường và an toàn của các sản phẩm trong suốt chu trình sống của sản phẩm, bảo toàn nguyên liệu, nước, năng lượng, loại bỏ các nguyên liệu độc hại, nguy hiểm, giảm độc tính của các khí thải, chất thải ngay từ khâu đầu của quy trình sản xuất.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Công nghệ môi trường là gì ?

"Công nghệ môi trường là tổng hợp các biện pháp vật lý, hoá học, sinh học nhằm ngăn ngừa và xử lý các chất độc hại phát sinh từ quá trình sản xuất và hoạt động của con người. Công nghệ môi trường bao gồm các tri thức dưới dạng nguyên lý, quy trình và các thiết bị kỹ thuật thực hiện nguyên lý và quy trình đó". 

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, con người tác động vào tài nguyên, biến chúng thành các sản phẩm cần thiết sử dụng trong hoạt động sống. Việc này không tránh khỏi phải thải bỏ các chất độc hại vào môi trường, làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Ở các các nước phát triển, vốn đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải chiếm từ 10 - 40% tổng vốn đầu tư sản xuất. Việc đầu tư các công nghệ này tuy cao nhưng vẫn nhỏ hơn kinh phí cần thiết khi cần phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm.

Sưu tầm:    Lê Đức Toàn
Nguồn: Cục bảo vệ MT

Câu hỏi

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG THÔNG ĐIỆP XANH

Địa chỉ: 20G Phan Văn Sửu, Phường 13, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: (84.028) 3814 3583

Fax: (84.028) 3814 3591

Email: thongdiepxanh@gmail.com

Hotline: 0903. 926. 077

đăng ký nhận bản tin

Đăng ký ngay để nhận thông tin mới nhất từ Thông Điệp Xanh

Brochure Thông điệp xanh
Download