1. Các nguồn phát sinh nước thải nhiễm dầu
- Dầu thải từ các tàu thuyền, sự cố tràn dầu trên biển...
- Hoạt động kinh doanh và vệ sinh kho chứa của cửa hàng xăng dầu...
- Dầu mỡ trong quá trình nấu ăn tại nhà bếp, nhà hàng....
- Dầu trong quá trình sản xuất dầu ăn, dầu (mỡ) cá...
- Hoạt động sửa chữa, vệ sinh xe...
2. Đặc trưng của nước thải nhiễm dầu
- Nước thải nhiễm dầu chứa thành phàn chính là dầu khoáng, ngoài ra còn có rác, cặn, đất sét,...
- Bản chất: dầu là chất lỏng sánh, thường có mùi đặc trưng, nhẹ hơn nước và không tan trong nước, chúng bị oxy hóa rất chậm, có thể tồn tại đến 50 năm...
Trong thực tế, dầu tồn tại ở các trạng thái sau:
- Dạng tự do: ở dạng này, dầu sẽ nổi lên thành các màng dầu. Dầu hiện diện dưới dạng các hạt dầu tự do hoặc lẫn với một ít nước, dầu tự do sẽ nổi lên trên bề mặt do trọng lượng riêng của dầu thấp hơn so với trọng lượng riêng của nước.
- Dạng nhũ tương cơ học, có 2 dạng tùy theo đường kính của giọt dầu: Đường kính vài chục micromet co độ ổn định thấp; Loại nhỏ hơn có độ ổn định cao, tương tự như dạng keo.
- Dạng nhũ tương hóa học: là dạng tạo thành do các tác nhân hóa học (xà phòng, xút ăn da, chất tẩy rửa, Na) hoặc các hóa học asphalten làm thay đổi sức căn bề mặt và làm ổn định hóa học dầu phân tán.
- Dạng hòa tan: phân tử hòa tan như các chất thơm
Ngoài ra dầu không tan tạo thành một lớp màng mỏng bọc quanh các chất lơ lửng, chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng lắng hoặc nổi của các chất rắn lơ lửng khi tạo thành các hợp chất kết hợp không lắng được.
3. Tác hại của dầu mỡ trong nước thải
- Hạn chế sự quang hợp của sinh vật dưới nước, điều này làm giảm lượng cá thể các loài, gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái.
- Các thành phần hydrocacbon nhẹ trong dầu, lưu huỳnh, nitơ gặp ánh sáng, nhiệt độ bốc hơi lên gây ô nhiễm không khí. Các kim loại nặng và các thành phần khác sẽ lắng xuống và tích tụ dưới đáy biển gây ô nhiễm cho các loài thủy sinh đáy.
- Các sản phẩm dầu hòa tan và phân giải trong nước làm giảm khả năng tự làm sạch của nước.
- Dầu mỡ nhẹ hơn và không tan trong nước, có độ kết dính cao nên khi xả ra ống thoát nước sẽ bám dính, treo trên thành ống, gây cản trở dòng chảy và làm tổn thất áp lực trong mạng lưới đường ống thoát nước và các công trình xử lý nước thải.
- Theo thời gian dầu mỡ sẽ tích tụ lại và đóng khối gây tắc nghẽn cục bộ hệ thống ống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước chung.
- Khi mưa dầu mỡ từ các hố ga tràn lên mặt đường làm trơn trượt, dễ gây tai nạn giao thông.
- Nước thải nhiễm dầu mỡ có khả năng ngấm vào đât hoặc theo nước mưa và các tầng nước ngầm làm cho nước có mùi hôi, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe con người.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Môi trường (2013). Một số biện pháp quản lý, xử lý nước thải nhiễm dầu; Ứng phó sự cố tràn dầu và sự cố cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu.
2. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Tác hại của dầu mỡ trong nước thải.
Xem thêm